Ung thư cổ tử cung- làm sao để phát hiện sớm?

Posted in

(VOV) - Tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong.
Theo nghiên cứu tại Việt Nam: trong các ung thư ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai sau ung thư vú tại Hà Nội và đứng đầu tại TP.HCM
Với những tiến bộ của y khoa hiện đại, bệnh này được chữa khỏi gần 100% các trường hợp nếu bệnh được phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, ung thư cổ tử cung lại rất khó chữa. Bởi vậy, trên thế giới, cứ 2 phút lại có một phụ nữ chết do ung thư cổ tử cung.
Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung? Ung thư cổ tử cung liên quan đến đời sống tình dục như thế nào? Phòng, tránh và điều trị ung thư cổ tử cung là mối quan tâm của khá nhiều độc giả nữ gửi câu hỏi đến Phòng mạch Online của VOVNews trong thời gian qua.
Chúng tôi đã mời TS. BS Lê Thị Ánh Hồng- Trưởng khoa Phòng khám Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để trả lời thắc mắc của bạn đọc. Cuộc tư vấn trực tuyến diễn ra vào 10h sáng thứ Năm ngày 28/5.
Bạn gửi câu hỏi tới bác sĩ theo mẫu bên.
Em đọc thấy hút thuốc lá và ngửi khói thuốc làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Em làm việc ở
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng
quán cà phê, thường bị ngửi khói thuốc thụ động, nhưng không có cách nào khác (không thể đeo khẩu trang khi phục vụ đúng không ạ. Vậy em phải làm gì sau ca làm việc để “thải độc”?
- (Hoahongcogai, 22 tuổi, Nữ , HN)
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng: Trong tổng kết các yếu tố có liên quan đến ung thư cổ tử cung, ngoài nguyên nhân do virus HPV chiếm 70%, có một số yếu tố liên quan làm tăng nguy cơ gây ung thư cổ tử cung như phụ nữ có quan hệ tình dục sớm hoặc phụ nữ hay bị viêm nhiễm bộ phận sinh dục, dùng thuốc tránh thai kéo dài và có nguyên nhân nữa như em hỏi là liên quan dến hút thuốc lá.
Theo tôi, trong quá trình làm việc phải có chế độ thải độc ngay như lắp quạt thông gió để đẩy luôn mùi thuốc ra ngoài hoặc dùng nến  để làm giảm bớt khói thuốc.


Vì sao lại bị viêm lộ tuyến cổ tử cung? Tôi sống rất vệ sinh và khoa học, hầu như chỉ làm vệ sinh bằng nước ấm hoặc dạ hương muối, mà lại bị viêm, chữa mãi không khỏi. Tôi rất lo sẽ biến chứng thành Ung thư CTC… - (Nga, 30 tuổi, Nữ , Hà Nội)
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng: Viêm nhiễm phụ khoa gặp rất nhiều, chiếm đến 70 – 80% chị em đã có quan hệ tình dục. Khi có viêm nhiễm như thế phải được bác sĩ sản khoa khám để điều trị, không nên tự chữa hoặc tự mua các nước sát khuẩn thông thường để rửa sẽ không khỏi được và trở thành viêm nhiễm mãn tính.
Trong viên nhiễm kéo dài có tới 70% là do virus HPV, trong đó có 2 tuýp 16 và 18 có thể gây biến chứng ung thư cổ tử cung sau 10 – 20 nhiễm, vì vậy bạn nên đi khám để có hướng điều trị.


Viêm cổ tử cung mà chữa mãi không khỏi. Có nên đi đốt? Việc đi đốt này có làm ảnh hưởng đến thụ thai không? Việc em bị viêm nhiễm quanh năm thế này làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình quá BS ơi, BS giúp em lời khuyên với. - (^-^, 36 tuổi, Nữ , Hà nội)
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng: Trước tiên bạn nên đi khám phụ khoa để bác sĩ có chỉ định cụ thể có nên đốt không. Việc đốt này không đau đớn cũng không ảnh hưởng đến việc sinh con sau này của bạn.

Hầu như lần nào quan hệ xong em cũng bị chảy máu. Đây có phải là triệu chứng của UT Cổ tử cung? Em làm thế nào để biết? Bệnh viện tỉnh có giải quyết được việc chẩn đóan không hay phải về Hà Nội? (Bảo Thắng, Lào Cai) - (Mai Hà, 25 tuổi, Nữ , Lào Cai)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Chảy máu sau khi quan hệ không hẳn là triệu chứng của UTCTC. Có thể đây là một bất thường liên quan đến viêm nhiễm. Em có thể khám phụ khoa tại khoa sản của Bệnh viện tỉnh.

Đã bị ung thư rồi mà chưa bị di căn thì tiêm vaccine có ích gì không? - (H.Giang, 32 tuổi, Nữ , HN)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Trước tiên, nếu đã bị UTCTC rồi thì bạn nên đi điều trị sớm. Sau khi điều trị có thể bạn vẫn được tiêm vaccine để phòng tái nhiễm những type virus gây ung thư (nếu bạn còn trong độ tuổi được phép tiêm vaccine từ 9-26 tuổi).

Tôi xin hỏi một câu ngắn gọn thôi: Tiêm Vaccine rồi thì sẽ 100% là không bao giờ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, đúng không ạ? Nếu đúng vậy tôi muốn tiêm cho con gái tôi 12 tuổi. - (Bình, 40 tuổi, Nam , HN)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Không đúng là vaccine loại trừ được 100% UTCTC, vì nguyên nhân gây UTCTC chỉ có 70% là do virus HPV còn lại 30% là những nguyên nhân khác, trong đó vaccine này cũng chỉ bảo vệ được 99% căn nguyên từ HPV. Nhưng bạn vẫn nên cho cháu đi tiêm vaccine vì phụ nữ khi đã có quan hệ tình dục thì từ 50-80% có ít nhất một lần trong đời nhiễm HPV.



Tôi không hiểu chuyện này có vẻ không logic lắm: Ung thư là bệnh có nguyên nhân từ rối loạn về quá trình sản sinh và tái sản sinh tế bào. Vậy thì liên quan gì đến các bệnh viêm? - (sinhvienY, 20 tuổi, Nữ , HN)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Viêm nhiễm phụ khoa nguyên nhân do virus HPV và trong quá trình virus này phát triển trong tế bào niêm mạc cổ tử cung nó sẽ gây loạn sản tế bào niêm mạc cổ tử cung. Vì vậy nó chính là tác nhân gây UTCTC.

Có cơ sở nào để nói rằng quan hệ TD sớm dễ bị ung thư CTC? Em rất lo lắng điều này vì năm nay em 21 tuổi, đã lấy chồng sớm và có con được 3 tuổi rồi… - (MMM, 21 tuổi, Nữ , Hànội)
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng: Theo thống kê có tới từ 50- 80% phụ nữ đã có quan hệ tình dục bị nhiễm virus HPV ít nhất là 1 lần. Vì vậy, quan hệ tình dục sớm có nguy cơ nhiễm HPV sớm và sau 15 – 20 năm sẽ dễ bị biến chứng ung thư cổ tử cung.

Tôi ở Hà Tĩnh thì tiêm ở đâu? - (Bạn đọc gọi điện đến báo, 30 tuổi, Nữ , Hà Tĩnh)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Chị hãy liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để biết thông tin tiêm phòng hoặc chị gọi số điện thoại: 04.1088, nhánh 2, phím 13 để được các bác sĩ tư vấn trực tiếp.

Đàn ông mà nhiễm HPV thì không bị ảnh hưởng gì, ngòai việc có thể truyền HPV gây hại cho bạn tình, có đúng không? - (BảoKhánh, 30 tuổi, Nữ , Hòan Kiếm, HN)
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng: Không đúng. Nam cũng có nguy cơ nhiễm HPV như nữ do nhiễm HPV là do quan hệ tình dục và nam là 1 trong những véctơ truyền cho bạn tình  đồng thời bản thân họ cũng bị bệnh đó là mụn cóc hay sùi mào gà ở bộ phận sinh dục. Đây là căn bệnh lành tính nhưng có thể làm cho bạn nam đó rất đau khổ và mặc cảm với bạn tình.



Phụ nữ đã quan hệ tình dục thì không nên tiêm vắc xin nữa đúng không ạ? Vắc xin này trong tương lai liệu có rẻ hơn không? - (MeCuaGach, 32 tuổi, Nữ , HN)
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng: Không đúng. Phụ nữ đã có quan hệ tình dục mà trong lứa tuổi được phép tiêm (từ 9 – 26 tuổi) thì vẫn được tiêm. Giá của vắc- xin phụ thuộc vào hãng sản xuất và nhà nhập khẩu.

Vì sao ở VN Ung thư CTC lại cao như vậy? - (Ngọc Hương, 29 tuổi, Nữ , HN)
TS, BS Lê Thị Ánh Hồng: Ở Việt Nam tỷ lệ ung thư cổ tử cung cao tương đương với các nước đang phát triển như ở châu Phi. Nguyên nhân có thể do việc khám sức khoẻ hàng năm của chị em chưa được thực hiện đầy đủ. Ngoài ra ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển có tới 50% phụ nữ ung thư cổ tử cung bị tử vong  là do phát hiện muộn. Bệnh này nếu phát hiện sớm sẽ điều trị khỏi.

Lứa tuổi sinh đẻ có phải là đối tượng chính nguy cơ cao bị ung thư CTC? Hay trung niên? - (P-Woman, 30 tuổi, Nữ , Bắc Ninh)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Lứa tuổi hay bị UTCTC nhất là phụ nữ ngoài 40 tuổi. Song lứa tuổi bị nhiễm HPV nhiều nhất là từ 20-40 tuổi (lứa tuổi bắt đầu có gia đình và quan hệ tình dục). Sau khi nhiễm từ 15-20 năm mới có biến chứng UTCTC.

Cháu thấy phụ nữ thật khổ vì bệnh ung thư cổ tử cung. Nếu không sinh hoạt tình dục thì chắc chẵn chẳng lo mắc bệnh nguy hiểm nầy - (Bé Năm, 17 tuổi, Nam , Đồng Tháp)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Phụ nữ không quan hệ tình dục thì ít có nguy cơ hơn, nhưng còn 30% nguy cơ khác gây UTCTC mà không liên quan đến tình dục nữa bạn ạ.

Tôi đọc báo thấy có nói nếu hoạt động tình dục quá mạnh, thô bạo thì sẽ dễ bị viêm cổ tử cung dẫn đến ung thư cổ tử cung? Phải hiểu thế nào là “quá mạnh” đây? Xin bác sĩ và mọi người đừng cười tôi vì câu hỏi này, nhưng thực sự tôi rất băn khoăn. - (Noname2002, 23 tuổi, Nữ , Hài Dương)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Đúng là hoạt động tình dục quá mạnh sẽ gây xây xước âm đạo, âm hộ. Biểu hiện là chảy máu sau quan hệ. Máu và vết thương ở niêm mạc, âm đạo, cổ tử cung sẽ là yếu tố tốt để vi sinh vật phát triển gây viêm nhiễm phụ khoa, trong đó có viêm nhiễm do HPV và để lại hậu quả.

Tôi đau bụng dưới và có khí hư vàng, đi khám, BS bảo viêm lộ tuyến CTC, sùi toàn bộ. Đi xét nghiệm, kết quả PAP test: tế bào biểu mô trong giới hạn bình thường. Vậy có đáng lo ngại không? Tôi phải điều trị thế nào? - (Xin_giau_ten, 30 tuổi, Nữ , Hà Nam)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Xét nghiệm PAP smia bình thường thì có nghĩa tế bào niêm mạc cổ tử cung của bạn chưa bị loạn sản (nguy cư UTCTC). Bạn nên sớm đến bác sĩ sản khoa để được điều trị lộ tuyến đó.

Một người 25 tuổi, đã quan hệ tình dục, muốn tiêm văcxin có cần xét nghiệm HPV không? - (Phong Lan Tím, 20 tuổi, Nữ , Hà Nội)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Bạn không cần xét nghiệm HPV. Vì nếu bạn đã nhiễm HPV tự nhiên thì đáp ứng miễn dịch tự nhiên rất thấp không bảo vệ được bạn.

Tôi thường xuyên bị lộ tuyến, cứ đạt thuốc sau một thời gian lại bị lại, muốn đốt thì phải chờ chữa khỏi lộ tuyến đúng ko? thưa bác sỹ - (thuý Nguyễn, 57 tuổi, Nữ , Phúc xá)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Bạn nên theo chỉ định của bác sĩ sản khoa.


Kính gửi Bác sĩ Ánh Hồng, em nghe nói thuốc Gardasil HPV type 6, 11, 16, 18 tiêm có thể phòng chống ung thư rất tốt. Xin bác sĩ có thể nói rõ hơn công dụng và giá tiền ạ. Xin cảm ơn.
- (Nam Dinh, 20 tuổi, Nam , TPHCM)
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng: Vaccine phòng thư cổ tử cung hiện nay trên thị trường Việt Nam có 2 loại: Tứ giá và Nhị giá.
Loại Tứ giá bao gồm HPV 16, 18 (gây ung thư cổ tử cung) và HPV 6,11 (gây mụn cóc, sùi mào gà) ở bộ phận sinh dục cả nam và nữ.
Nhị giá gồm HPV 16 và 18.
Tại trung tâm dịch vụ Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương (131 Lò Đúc, Hai Bà trưng, Hà Nội), vaccine Tứ giá có giá là 1.250.000 đồng/lần tiêm (mỗi người cần tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng). Vaccine Nhị giá là 750.000 đồng/lần tiêm (cũng tiêm 3 mũi trong vòng 6 tháng)


Thưa bác sỹ, ở ngoài thành âm đạo có một cục thịt cứ ngày 1 lớn hơn mà em đi khám ở Đài Loan, bác sĩ bảo bình thường, không vấn đề gì cả; mà em cảm thấy lo lắng lắm. Bác sỹ xem vậy là bệnh gì và cách chữa trị ra sao. Cụ thể có loại thuốc điều trị không. Xin bác sĩ mách giùm. - (duongthivinh, 0 tuổi, Nữ , dang song lam viec tai Dai Loan, Trung Quoc)
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng: Bạn nên xin tư vấn ở bác sỹ da liễu để được kê đơn điều trị cụ thể.

Tiêm văcxin ba mũi có tác dụng kéo dài trong thời gian bao lâu thì phải tiêm lại? - (Trần TQ, 30 tuổi, Nữ , HN)
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng: Hiện nay, sau trên 6 năm nghiên cứu đáp ứng miễn dịch của những người đã được tiêm,các nhà khoa học thấy rằng không cần tiêm nhắc lại vì đáp ứng miễn dịch vẫn còn cao, có tác dụng bảo vệ.

Tôi bị pôlip CTC đã đi đốt , xoắn, cắt 5 lân . Đi xét nghiệm tế bào kết quả là có tế bào dị sản vẩy . Tôi xin hỏi có cách nào để pôlip không mọc lại nữa ? Liệu tôi có bị ung thư CTC không? Xin cảm ơn bác sĩ . - (Nguyễn Thị Nguyệt, 50 tuổi, Nữ , Gia Lâm - Hà Nội)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Chị nên xin tư vấn của bác sĩ sản khoa để có cách điều trị cụ thể.

Có phải nếu nhiễm HPV nhưng sức đề kháng tốt thì sẽ tự khỏi? - (Trang, 19 tuổi, Nữ , Lục Ngạn)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Đúng vậy, nhiễm HPV có thể khỏi tự nhiên. Chị có thể xét nghiệm, kiểm tra tháng một lần để có thể biết được đó có phải là nhiễm HPV mãn tính không. Nhưng phụ nữ khi có quan hệ tình dục rồi thì không tránh khỏi là có thể bị nhiễm HPV nhiều lần.

Nếu sống 1 vợ 1 chồng thì có nguy cơ mắc bệnh này không, thưa BS? Như vậy có phải là an tòan và không cần đi tiêm nữa? - (Anh Bằng, 30 tuổi, Nam , Hải Dương)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Không hẳn là như vậy bạn ạ. Vì trước hôn nhân không biết bạn tình của bạn đã chưa từng có quan hệ tình dục hay không.

Em 2 lần bị viêm lộ tuyến CTC và phải đốt rồi. Em có nguy cơ dễ bị mắc bệnh ung thư CTC hơn không? - (Belisimi, 30 tuổi, Nữ , SG)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Càng viêm nhiễm nhiều thì càng có nguy cơ bị UTCTC cao hơn.

Nhiễm nấm có phải là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung? Em hoang mang quá, sao em nhiễm nấm thường xuyên và quanh năm vậy? - (Hà Nam, 20 tuổi, Nữ , Phủ Lý)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây UTCTC, nhưng nhiễm nấm thể hiện một viêm nhiễm phụ khoa không tránh khỏi kèm theo những vi sinh vật khác (kèm theo HPV) có thể gây UTCTC.

Phải chăng nếu đã tiêm rồi, thì sẽ có thể quan hệ tình dục thỏai mái hơn và không lo hay bớt lo bị bệnh? - (Hoàng Thị Hân, 29 tuổi, Nữ , Hà Nội)
TS. BS Lê Thị Ánh Hồng: Vắc- xin chỉ bảo vệ được 70% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung do HPV, còn 30% là do các yếu tố khác, vì vậy bạn vẫn nên giữ quan hệ tình dục 1 vợ, 1 chồng và giữ vệ sinh cá nhân.

Thua bac si, chau nam nay 22 tuoi, chua co gia dinh. Cach day 5 thang chau bi u nang buong trung trai va phai phau thuat cat bo mot ben. vay lieu chau co nguy co bi mac ung thu buong trung hay ung thu tu cung khong ah. Chau phai lam gi de de phong. Va chau cung xin hoi thang la chau nen lay chong khi nao de dam bao viec sinh no. Cam on bac si ah. - (Duong Hue Minh, 22 tuổi, Nữ , hanu)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: U nang buồng trứng là một u lành tính không đáng lo ngại. Bạn nên đi khám phụ khoa thường xuyên để biết được thời điểm nào là tốt cho việc xây dựng gia đình và sinh nở.

Em di kham phu khoa, soi co tu cung phat hien "co vet trang nhat o co tu cung", bac si bao tai kham sau 3 thang, xin hoi tinh trang nhu vay la ra sao, xin cho em biet cu the, co nguy hiem gi khong? Xin cam on. - (Nhu Quynh, 26 tuổi, Nữ , 118 Bach Dang, Q. BThanh)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Bạn nên hỏi bác sĩ sản khoa đã trực tiếp khám cho bạn là tốt nhất. Vì các bác sĩ này trực tiếp khám lâm sàng cho bạn thì sẽ biết rõ hơn tổn thương của bạn.


Khi bị bệnh ung thư cổ tử cung rồi mà quan hệ tình dục có làm cho bệnh nặng hơn không? Có phải dùng bao cao su khi quan hệ 1 vợ 1 chồng? Bệnh ung thư cổ tử cung có di truyền không? - (Hà, 30 tuổi, Nữ , Hà Noi)
TS.BS Lê Thị Ánh Hồng: Khi đã ung thư cổ tử cung bạn nên đến ngay khoa sản của các bệnh viện để được điều trị kịp thời sẽ khỏi và sau đó vẫn quan hệ tình dục bình thường. Bện không nên chần chừ nếu để muộn thì tỷ lện tử vong sẽ lên đến 50% đấy.
Ung thư cổ tử cung không di truyền.

Do thời gian có hạn, còn một số câu hỏi chưa được trả lời, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển tới TS BS Lê Thị Ánh Hồng. Xin chân thành cảm ơn bà Lê Thị Ánh Hồng đã tham gia chương trình./.
Đọc tiếp →